7 bài học lãnh đạo từ tướng James Mattis và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Ít có điều gì nguy hiểm với nhà hơn là sự chủ quan và tự mãn từ chính bản thân mình. Những chiến thắng dễ dàng ban đầu có thể làm bạn đánh mất sự cảnh giác và chuẩn bị, từ đó đặt cả tổ chức của bạn vào vòng rủi ro, và đó cũng thường chính là lúc đối thủ “trở lại lợi hại hơn xưa”.

Mang biệt danh “Chó điên”, nhưng tướng Mattis lại là vị tướng thuộc hàng trí thức nhất nước Mỹ với thư viện cá nhân hơn 7.000 đầu sách.

Hôm 1-12 vừa qua, tân Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông đã quyết định sẽ bổ nhiệm cựu đại tướng James Mattis làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Được xem là “huyền thoại sống” của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, tướng Mattis từng có khá nhiều phát ngôn gây sốc như “thật là vui khi được bắn một số loại người”. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Mattis có biệt danh là “Chó điên” (Mad Dog), và ông Trump cũng gọi ông bằng biệt danh này.

Tuy nhiên, đằng sau những câu nói có vẻ thuần chất võ biền như vậy lại là một con người với học thức uyên sâu về các vấn đề lịch sử, văn hóa và triết lý lãnh đạo. Mattis có thể thoải mái trích dẫn kịch Shakespeare lẫn binh pháp Tôn Tử, và thường xuyên mang theo bên mình cuốn “Thiền định” (Meditations) của hoàng đế La Mã Marcus Aurelius. Vì vậy, một biệt danh khác được các binh sĩ của Mattis ưu ái dành tặng cho ông là “Thầy tu Chiến binh” (Warrior Monk).

Dưới đây là 7 đáng nhớ nhất từ James Mattis:

1. Đọc, đọc nữa, đọc mãi

Khi được một đồng nghiệp hỏi về việc liệu các sĩ quan có nên đọc sách hay không, nhất là khi họ quá bận rộn không tìm ra được thời gian, Mattis đã gửi email trả lời: “Nếu quá bận rộn để đọc sách, bạn sẽ phải tự thu thập kinh nghiệm theo cách khó khăn nhất. Bằng cách đọc sách, bạn sẽ học được kinh nghiệm từ người khác, và đây là điều đặc biệt quan trọng khi mà hậu quả của việc thiếu kinh nghiệm thường là sinh mạng của những người trẻ tuổi”.

“Đọc sách không mang lại cho tôi tất cả các câu trả lời, nhưng nó mang lại ánh sáng để tiến vào con đường tối tăm phía trước… Khi đã thực sự hiểu được lịch sử thì bạn sẽ thấy những gì bạn đối mặt không có gì mới mẻ cả”.

Gia nhập quân ngũ với tấm bằng cử nhân sử học, Mattis chưa bao giờ chấm dứt niềm đam mê của mình đối với việc thu thập kiến thức mới. Thư viện cá nhân của ông từng có lúc có tới hơn 7.000 đầu sách, tới nỗi về sau này ông phải đem tặng lại sách cho các thư viện, để giảm xuống còn 1.000 cuốn. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì theo các vị tướng khác cho biết thì mỗi lần Mattis chuyển sang một vị trí mới thì ông lại mang cả kho sách khổng lồ này theo bên mình.

Một người bạn của Mattis là tướng Michael Ennis kể lại rằng có lần ông tới nhà Mattis chơi và muốn tìm một ít ngũ cốc để ăn sáng. Khi mở tủ bếp ra, Ennis đã sửng sốt khi thấy trong tủ chất đầy sách, và khi ông thử giở sách ra thì thấy cuốn nào cũng đầy các ghi chú bên lề và những đoạn văn được đánh dấu lại cẩn thận.

Mattis không bao giờ quên nhắc nhở cấp dưới về tầm quan trọng của việc đọc sách. Ông có hẳn một danh sách các cuốn sách và bài luận mà cấp dưới nên đọc, được phân chia rõ ràng theo từng cấp bậc từ binh nhì cho tới hàng đại tá. Bất kể một người lính được điều động tới Iraq, Afghanistan hay châu Phi, ông cũng đều có thể giới thiệu cho họ một cuốn sách phải đọc để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của nơi họ đóng quân.

Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi tướng Mattis đã được Đại học Stanford chọn vào một nhóm những chuyên gia (fellow) hàng đầu về lịch sử quân sự của trường đại học này.

2. “Dùng não trước khi dùng súng”

Một câu nói khác của Mattis cũng mang ý này: “15cm quan trọng nhất trên chiến trường chính là nằm giữa 2 lỗ tai của bạn”. Dù trong môi trường doanh nghiệp hay quân đội, con người luôn có rủi ro rơi vào lối tư duy kiểu “khi trong tay ta có búa, thì mọi thứ khác đều là đinh”, nói cách khác là bị đi vào lối mòn về mặt giải pháp. Đây là nguyên nhân phát sinh ra những màn biểu diễn hỏa lực tốn kém đạn dược, hay những chiến dịch marketing đầy hào nhoáng nhưng lại chẳng mang tới kết quả gì, vì đơn giản là nhà lãnh đạo cũng như các cấp dưới chẳng buồn suy nghĩ xem mình làm điều đó để làm gì.

Mattis hiểu rằng những thanh niên trẻ tuổi với rất nhiều súng ống đạn dược trong tay nhưng lại thiếu kinh nghiệm xã hội thì có thể gây ra tác hại như thế nào. Là một vị tướng cực kỳ quyết liệt khi xông pha tuyến đầu, nhưng khi trở thành lãnh đạo lực lượng đồn trú tại Iraq thì Mattis luôn bắt các binh sĩ của mình phải học cách gần gũi và tôn trọng văn hóa của người dân địa phương. Ông căn dặn: “Khi bạn thể hiện sự giận dữ hay khinh bỉ với dân địa phương, đó là chiến thắng của al-Qaeda và các lực lượng phiến quân”, và “Điều đầu tiên phải làm là không được gây hại”.

Trước khi sư đoàn thủy quân lục chiến số 1 do Mattis chỉ huy được điều động tới Iraq vào năm 2003, ông đã cho mời các chuyên gia văn hóa Ả Rập tới huấn luyện cho binh sĩ của mình. Họ được dạy phải biết bỏ kính mát ra khi nói chuyện với dân địa phương, và nếu có phải lục soát nhà thì hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách xin phép chủ nhà. Ban đầu Mattis yêu cầu binh sĩ phải cạo râu đầy đủ để bảo đảm hình ảnh kỷ luật, nhưng sau vài tháng đồn trú ở Iraq thì họ được ông yêu cầu nên để râu mép để giống với người Iraq hơn.

Ông cũng kể cho họ nghe những câu chuyện về một nhóm binh sĩ đã dám ngả mũ khi có một đoàn xe tang đi ngang qua, dù biết rằng họ đang chấp nhận rủi ro tính mạng khi làm việc đó, hay một nhóm binh sĩ khác giải tán đám đông giận dữ bằng những bình nước mát thay vì giơ súng lên.

3. Xắn tay vào làm nếu muốn chinh phục niềm tin của cấp dưới

Để thuyết phục các binh sĩ chấp nhận gần gũi với dân địa phương trong khi luôn có rủi ro là họ sẽ bị lực lượng phiến quân phục kích không phải là điều đơn giản. Theo Mattis, để làm được điều này nhà lãnh đạo phải biết giành được sự trung thành và lòng ngưỡng mộ từ cấp dưới. Chỉ khi đó, cấp dưới mới có đủ sự tin tưởng và cảm giác kết nối với chỉ huy để sẵn sàng tuân lệnh.

Để làm được điều này, Mattis không ngần ngại tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm bên cạnh các binh sĩ của mình. Khi lực lượng tự vệ Iraq tại thành phố Fallujah được thành lập, Mattis đã “kiểm tra” khả năng giữ an ninh của họ bằng cách cho một đoàn xe của lực lượng thủy quân lục chiến chạy xuyên qua thành phố, và đích thân ông cũng ngồi trong đoàn xe đó.

Trong một trường hợp khác, khi đang trên đường trở về sở chỉ huy và đi ngang qua một đại đội vừa bị phục kích, Mattis đã cho gửi các binh sĩ bị thương về, và đích thân chỉ huy những người còn lại tiếp tục chiến đấu. Dù rủi ro phục kích luôn thường trực, Mattis thường xuyên nhắc nhở các tài xế của mình “hãy lái xe chậm lại” để cho dân địa phương thấy người Mỹ không sợ sệt họ, cũng như thể hiện sự tôn trọng.

Và mỗi khi có một binh sĩ dưới quyền của ông không may thiệt mạng, Mattis luôn gửi một lá thư do chính tay ông viết tới bố mẹ của người đó, theo lời kể của tướng Ennis.

4. “Đừng lẩn tránh những sự thật phũ phàng”

Làm nhà lãnh đạo đồng nghĩa với việc phải trung thực với cấp dưới và giúp họ ý thức về các rủi ro sắp tới. Dù trong môi trường quân ngũ hay doanh nghiệp, đây là điều làm nên điểm khác biệt giữa thành công và thất bại. Mattis nói: “Bạn không thể cho phép bất kỳ người nào dưới quyền bạn lẩn tránh những sự thật phũ phàng. Nếu họ cứ sống trong một thế giới mộng mơ, mọi thứ rồi sẽ trở nên tồi tệ mà thôi”.
m

Từ đó, Mattis khuyên: “Hãy trở thành người thợ săn chứ không phải con mồi. Đừng bao giờ để cho đơn vị của bạn lâm trận trong tình trạng mất cảnh giác”. Một cách diễn đạt khác mà ông cũng dùng là: “Thế giới có những thợ săn và có những con mồi. Bằng sự kỷ luật, khôn ngoan và cảnh giác, chính bạn sẽ quyết định xem mình là thợ săn hay là con mồi”.

Việc chuẩn bị trước không bao giờ là thừa. Mattis khuyên: “Luôn luôn lịch sự, luôn luôn chuyên nghiệp, nhưng hãy luôn có kế hoạch đánh bại tất cả những người bạn gặp”.

5. “Hãy sống thoải mái với sự bất định”

Mattis khuyên: “Một vài người cảm thấy phẫn nộ khi có chuyện gì đó mà họ nghĩ chắc chắn sẽ xảy ra lại không trở thành sự thật. Trong trường hợp đó, cảm nhận về rủi ro của bạn là quá cao, và bạn dễ sinh ra né tránh rủi ro. Bạn cần phải học cách sống thoải mái với sự bất định”. Ông cũng từng nói “Tôi chưa bao giờ mất ngủ vì nỗi lo thất bại. Tôi thậm chí còn không biết cách đánh vần từ đó”.

Là người tin rằng chiến trường là nơi luôn diễn ra sự thay đổi từng phút một và không có chỗ cho những dự đoán chắc chắn 100%, Mattis thường xuyên phản đối việc sử dụng PowerPoint để thuyết trình kế hoạch, vì ông cho rằng nó làm cho công tác lãnh đạo có vẻ dễ dàng hơn sự thật. Khi đã ý thức được rằng chiến trường là nơi có nhiều sự bất định và đối thủ luôn luôn có khả năng thích ứng cao độ, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn rất nhiều so với việc cứ cho rằng mọi thứ sẽ tuân theo một vài quy luật sách vở nào đó.

6. “Hãy nuôi dưỡng những kẻ nổi loạn”

Dù là trong môi trường quân ngũ hay doanh nghiệp, những ý tưởng sáng tạo và đi ra ngoài khuôn khổ không phải bao giờ cũng được chấp nhận ngay, và đôi lúc có thể bị triệt tiêu bởi các lực cản bảo thủ. Để mang lại sự đổi mới, nhà lãnh đạo không thể chỉ biết ngồi đợi các ý tưởng mới xuất hiện, mà còn phải biết tạo điều kiện cho những cá nhân sáng tạo.

Phát biểu với các sĩ quan vừa được thăng hàm chuẩn tướng, Mattis nói: “Hãy đón nhận những kẻ nổi loạn (maverick) dưới quyền của bạn, những người mặc đồng phục nhàu nhĩ và nhìn như một đống bùn, nhưng lại có các ý tưởng nổi loạn làm cho các quan chức phải nổi giận. Một trong những công việc chính của bạn là hãy chấp nhận rủi ro và nuôi dưỡng những người như vậy, vì nếu không thì sẽ tới lượt kẻ thù mang những ý tưởng đột phá của bên họ đến với bạn”.

Chính bản thân Mattis cũng là người đã mang “ý tưởng đột phá” tới quân đội của Saddam Hussein trong cuộc chiến Iraq năm 2003. Trong khi quân Iraq cho rằng người Mỹ sẽ lặp lại chiến lược cũ của cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 là tấn công dọc theo dòng sông Tigris, Mattis đã làm điều mà họ không thể ngờ tới. Xông thẳng vào tuyến đường quốc lộ nằm giữa 2 con sông Tigris và Euphrates, nơi được cho là đất quá mềm để xe bọc thép di chuyển, đoàn quân hàng ngàn xe của Mattis đã di chuyển một mạch 110km trong vòng 2 ngày, qua mặt 6 sư đoàn Iraq. Trong vòng 17 ngày của chiến dịch kỳ đó, sư đoàn thủy quân lục chiến số 1 do Mattis chỉ huy đã tiến được 808km, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử binh chủng này.

7. Đừng ngủ quên trên chiến thắng ban đầu

Ít có điều gì nguy hiểm với nhà lãnh đạo hơn là sự chủ quan và tự mãn từ chính bản thân mình. Những chiến thắng dễ dàng ban đầu có thể làm bạn đánh mất sự cảnh giác và chuẩn bị, từ đó đặt cả tổ chức của bạn vào vòng rủi ro, và đó cũng thường chính là lúc đối thủ “trở lại lợi hại hơn xưa”.

Ý thức được điều này, Mattis khuyên: “Chẳng có cuộc chiến nào là thực sự chấm dứt cho tới khi chính kẻ thù phải nói rằng nó đã chấm dứt. Chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến đã chấm dứt, chúng ta có thể hùng hồn tuyên bố nó đã chấm dứt, nhưng thực ra kẻ thù cũng có quyền quyết định xem nó đã chấm dứt thật hay chưa”.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *