16 mặt hàng bán chạy nhất ngày Tết nên kinh doanh

Khi bán các mặt hàng này trong dịp Tết bạn nên tìm kiếm và bắt đầu bán trước khoảng 1 tháng, không nên để đến gần giáp Tết như vậy lãi thu về sẽ cao hơn rất nhiều.


Bán hàng Tết là kiểu bán hàng theo thời vụ, chỉ có trong một thời gian ngắn khoảng 1 tháng trước Tết, nếu có ý định kinh doanh dịp tết, bạn chỉ nên tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết hoặc đến Tết mới có nhu cầu.

Dưới đây là những mặt hàng bán chạy bạn có thể tham khảo.

1. Kinh doanh chậu hoa, cây cảnh, cây phát lộc

Chậu hoa, cây cảnh luôn là vì hầu như gia đình nào cũng muốn mua sắm để mang không khí Tết vào nhà.

Bạn không cần đầu tư quá nhiều vốn để kinh doanh mặt hàng này vào dịp Tết Nguyên Đán; chỉ cần 500 nghìn – 1 triệu là bạn đã có thể nhập tất cả các chậu hoa, cây cảnh mini về bán (chậu cúc, chậu hoa ly, hoa đỗ quyên, quất cảnh, cam cảnh …).

Thời gian nên bán từ Rằm tháng Chạp đến chiều 30 Tết. Đây là khoảng thời gian không khí Tết ngập tràn, gia đình nào cũng sắm sửa hoa, cây cảnh để trang trí.

2. Bán hoa tươi

Hoa tươi là mặt hàng không thể thiếu khi Tết đến, nhu cầu cắm hoa tươi trang trí và hoa thắp hương rất lớn nên mặt hàng này không lo bị ế.

Bạn có thể đến các chợ đầu mối, các cửa hàng hoa lớn hoặc đến vườn hoa để lấy hàng với giá rẻ hơn và nhập về kinh doanh để có lãi cao hơn.

3. Bán mía lộc

Hàng năm cứ vào mấy ngày cận Tết mọi người lại tìm mua cho được hai cây mía vừa cao vừa thẳng, thân to nhiều rễ, lá xanh tốt. Bạn có thể tận dụng phong tục truyền thống này để kinh doanh kiếm tiền dịp Tết.

Bạn có thể liên hệ với một số chủ mối buôn, mua nhiều có thể được chiết khấu. Nếu muốn nâng giá bán bạn nên buộc thêm nơ đỏ hoặc treo câu đối vào thân cây mía.

Khi vận chuyển và cất giữ nên chú ý lá cây còn xanh tươi, thân cây không xây xước và địa điểm bày bán phải có nhiều người qua lại.

4. Kinh doanh các loại quả

Cũng như hoa, mâm ngũ quả ngày Tết là thứ không thể thiếu. Bạn có thể kiếm tiền bằng cách buôn bán những loại quả quen thuộc hay được bày mâm ngũ quả như bưởi, mãng cầu, na, dừa, sung, đu đủ, xoài, cam, quýt… Ngoài ra bạn có thể bán những loại quả mới lạ, đẹp mắt như phật thủ, thần tài, dứa, thanh long, bưởi hồ lô, bưởi khắc chữ…

Thời điểm kinh doanh các loại quả lý tưởng là từ sau 23 tháng Chạp đến tận ngày cuối cùng của năm Âm lịch.

5. Kinh doanh thực phẩm sạch handmade

Một số loại thực phẩm bán chạy ngày Tết có thể tự làm handmade nếu bạn khéo tay như mứt Tết, bò khô, nem chua, giò chả, hoa quả sấy, bắp bò ngâm dấm, bắp bò ngâm chua ngọt, tai heo ngâm chua ngọt…

Nếu chăm chỉ, bạn dễ dàng kiếm được món lời không nhỏ từ việc kinh doanh này. Đừng quên tận dụng các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp mời họ mua hàng và giới thiệu bạn bè giúp bạn.

Thông thường, bạn nên chọn những món sở trường đã được người thân kiểm chứng và lên trước danh sách các món cho mọi người đặt và sau 23 tháng Chạp thì bắt đầu rao bán – làm hàng.

6. Kinh doanh đặc sản các vùng miền

Bất kỳ món đặc sản nào nổi tiếng các vùng miền (đồ khô, hoa quả, món ăn đặc sản…) đều có lượng khách hàng tiêu thụ rất lớn trong dịp tết.

Nếu có mối quan hệ nhập các mặt hàng đặc sản nổi tiếng hoặc chính nhà bạn, quê bạn có như thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô vùng cao, thịt chua Thanh Sơn, tỏi Lý Sơn, hồng dẻo Đà Lạt, nem chua Thanh Hóa, bưởi Đoan Hùng… thì bạn có thể kinh doanh kiếm lời trong dịp Tết này rồi.

Những loại đặc sản khô thường có hạn sử dụng khá dài nên bạn có thể bán trước Tết từ 1 đến 2 tháng; còn các đặc sản tươi (nem chua, bưởi…) thì chỉ nên nhập bán từ khoảng 20 tháng Chạp.

7. Kinh doanh Gà – Vịt – Ngan quê

Chỉ cần tìm được nguồn hàng đáng tin cậy (dựa trên các mối quan hệ quen biết để tìm kiếm hoặc nhà bạn có nuôi thì càng tuyệt vời) là bạn đã tự mở ra cho mình một cơ hội kinh doanh dịp Tết không cần vốn mà vẫn có lãi. Cứ ai đặt hàng thì bạn nhận rồi mới đặt mua ở người dân.

Mặt hàng này khá chạy vì ngày tết nhà nào cũng cần mua và tiêu thụ. Mà trong tình hình thực phẩm bẩn, không đảm bảo tràn lan thì gà, vịt, ngan quê rõ nguồn gốc, chắc thịt, thơm ngon chắc chắn sẽ bán rất chạy.

8. Kinh doanh rau củ sạch

Rau củ lại là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, dịp Tết là dịp mà nhu cầu thực phẩm, rau xanh tăng cao.

Nếu bạn có nguồn cung rau củ sạch; đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn có thể bán cho người trong cơ quan, người thân quen, họ hàng, mạng lưới kinh doanh của bạn cứ thế tự nhiên mà mở rộng khi họ giới thiệu thêm khách đến với bạn.

Kinh doanh rau củ sạch không chỉ rộn ràng dịp Tết mà còn có thể kinh doanh quanh năm vì nhu cầu rau sạch luôn rất lớn.

9. Kinh doanh muối – diêm – bật lửa đêm giao thừa

Theo quan niệm truyền thống dân gian, đầu xuân năm mới ra đường, mang về một chút diêm/bật lửa cho đỏ tài vận, lộc lá cả năm; mang theo một chút muối để xua đi những điều không may mắn.

Bạn có thể bán vào đêm giao thừa và những ngày đầu xuân năm mới; nhưng đêm giao thừa sẽ có nhiều người mua hơn hẳn. Kinh doanh muối chủ yếu tại chùa hoặc đình đền, để có được chỗ bán tốt bạn cần phải đặt từ sớm, đông người qua lại sẽ mua nhiều hơn.

10. Kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm làm đẹp

Do nhu cầu làm đẹp cho bản thân khi Tết đến xuân về, mọi người thường chi tiêu khá mạnh tay để trở nên điều mới mẻ và xinh đẹp hơn trong ngày đầu xuân năm mới.

Nước hoa và mỹ phẩm là hai sản phẩm bán chạy không thể thiếu trong túi xách của chị em dịp Tết. Hãy bán hàng online từ trước Tết và đẩy mạnh hẳn vào tháng Chạp. Mỹ phẩm có hạn sử dụng lâu dài nên bạn có thể bán kể cả sau Tết, không lo ế hàng.

11. Kinh doanh bánh truyền thống (bánh Chưng, bánh Tét)

Nếu bạn có người nhà chuyên làm hoặc sản xuất các loại bánh truyền thống này thì có thể nhận order để bán trực tiếp hoặc nhận giao bánh cho khách.

Hiện nay, bên cạnh bánh truyền thống, nhiều người còn kinh doanh thêm các loại bánh biến tấu hấp dẫn như bánh chưng nếp cẩm, bánh chưng ngọt, bánh chưng gấc… Bạn có thể làm thêm để thu hút khách hàng mua những món bánh mới lạ độc đáo này.

12. Kinh doanh Rượu

Rượu để thắp hương, cúng tổ tiên, bày biện hay làm quà tặng là món không thể thiếu vào dịp tết. Nắm bắt nhu cầu này, bạn có thể kinh doanh từ các loại rươu quê dân dã, gia truyền đến rượu ngoại, rượu nhập đắt tiền.

13. Kinh doanh chè, cà phê

Chè, cafe là thức uống rất cần thiết trong những ngày Tết. Nó là đồ uống Tết của mỗi nhà và nó cũng có thể làm quà biếu vào dịp Tết. Nếu vùng quê của bạn nổi tiếng với chè, cà phê thì không có lý do gì bạn không kinh doanh mặt hàng này vào dịp tết.

14. Kinh doanh quần áo

Nhu cầu mua sắm quần áo mới diện tết hầu như năm nào cũng có, từ già trẻ lớn bé, thành thị đến nông thôn, ai cũng sắm quần áo để đi chơi xuân.

Bạn có thể tìm các mối hàng đẹp, độc lạ, kiểu dáng mới để kinh doanh, chắc chắn sẽ không thất vọng vì nhu cầu khách hàng dịp này khá cao.

15. Kinh doanh các loại hạt (hạt điều, đậu nành, hạt dưa, hướng dương…)

Bánh kẹo mời khách đến chơi nhà không thể thiếu các loại hạt nhấm nháp như hạt dưa, hạt hướng dương, đậu nành, đậu xanh, hạt điều, hạt dẻ cười…

Ngoài ra các loại hoa quả sấy, rau củ sấy, nho khô… để được lâu, lạ miệng cũng được nhiều người mua về bày biện, mời khách dịp này.

16. Kinh doanh phong bao lì xì, đồ trang trí Tết

Tết truyền thống thì không thể thiếu phong tục lì xì hay còn gọi là mừng tuổi, do đó nhu cầu mua bao lì xì trong những ngày này rất lớn, nhiều người còn mua đến vài chục cái một lần.

Bạn có thể mua sỉ ở một số khu chợ đầu mối hoặc tìm mua trên mạng rất nhiều. Ngoài ra bạn nên nhập thêm một số món đồ trang trí Tết như dây treo câu đối bằng nhựa, đồng tiền vàng bằng nhựa, đèn nháy… để bán kèm.

Khi bán các mặt hàng này trong dịp Tết bạn nên tìm kiếm và bắt đầu bán trước khoảng 1 tháng, không nên để đến gần giáp Tết như vậy lãi thu về sẽ cao hơn rất nhiều.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *